Nỗi khổ của những người nuôi thú cưng là pet của mình có vấn đề về sức khỏe. Đảm bảo luôn là bạn sẽ mất ăn mất ngủ khi pet của mình bỏ ăn hay cảm thấy mệt mỏi trong người. Là 1 người yêu động vật nên mình rất thích tìm hiểu về các triệu chứng bất thường của chó mèo và không ít người hỏi về việc mèo bị rối loạn tiêu hóa. Nên hôm nay mình đã quyết định chia sẻ một vài thông tin về cách chữa trị tình trạng rối loạn tiêu hóa ở mèo.
Bệnh rối loạn tiêu hóa khá phổ biến ở các thú cưng và phụ thuộc vào cấp độ bệnh, sức khỏe của mèo để đánh giá mức nguy hiểm khác nhau của nó. Đặc biệt với những bé mèo con từ lúc sinh ra đến 2 tháng tuổi nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí là tử vong.
Dấu hiệu rối loạn tiêu hóa
Mèo bị rối loạn tiêu hóa thường có nhiều biểu hiện và cấp độ bệnh nặng nhẹ. Bạn hãy dựa vào các cấp độ sau để có thể chuẩn đoán xem mèo nhà bạn đang ở mức độ nào để có phương pháp xử lý phù hợp.
- Mức độ Thường: Biểu hiện là mèo nôn ra mật có bọt, phân đôi khi lẫn cả máu và có mùi thối khắm
- Mức độ Cấp: Niêm mạc tái nhợt, mèo bị sốt cao trong ngày đầu tiên, bỏ ăn, nằm ì 1 chỗ và không vận động
- Mức độ Quá Cấp: Thân thể lạnh, đau quặn vùng bụng và cơ thể suy nhược nghiêm trọng, nếu bạn để mèo của mình đến mức độ này thì sẽ khó có thể cấp cứu thành công và mèo sẽ chết.
Biểu hiện rõ thấy nhất ở tất cả những chú mèo mắc phải bệnh rối loạn tiêu hóa là: bụng to lên, phân lỏng, nôn mửa nhiều lần có khi còn ra thức ăn chưa tiêu hóa. Việc đi phân lỏng dẫn đến mèo bị mất nước và suy yếu dần, đặc biệt hơn nếu trong phân có máu do nhiễm ký sinh trùng từ môi trường hay từ bộ lông (mèo có thói quen hay liếm lông) có thẻ dẫn đến tình trạng tử vong.
Phương pháp chữa trị
Khi thấy mèo có triệu chứng trên thì nên có biện pháp chữa trị ngay lập tức. Có thể việc chữa trị sẽ kéo dài khoảng 10 ngày còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh tình và sự chăm sóc của bạn đối với chú mèo.
Bạn nên ngưng việc cho ăn mà chỉ cho uống thôi, tuyệt đối không được cho uống sữa vì làm thế tình trạng sẽ càng nguy kịch hơn. Bế mèo đến một chỗ thoáng mát và sạch sẽ hơn.
- Nếu mất nước nhẹ mà không kèm ói thì bạn cấp nước bằng đường uống: Bạn pha dung dịch điện giải. Nếu mèo không uống được thì bạn dùng ống tiêm để bơm dung dịch vào, 1-2ml/kg thể trọng/ giờ.
- Nếu tiêu chảy kèm theo ói thì việc cho mèo uống sẽ càng làm mèo ói nhiều hơn nên bạn cần cấp nước bằng đường tiêm truyền. các vùng có thể tiêm là tiêm xoang bụng, tiêm tĩnh mạch và tiêm dưới da.
Hãy vệ sinh nơi ở của mèo thật sạch sẽ để những vi khuẩn gây bệnh không được phát triển và tránh các thú cưng khác bị lây nhiễm bệnh. Lưu ý thay cát cho mèo đi vệ sinh ít nhất 1 ngày 1 lần, nếu khi mèo bệnh thì nên thay thường xuyên hơn để tránh việc lây và ủ bệnh cho con khác.
Khi mèo đã có dấu hiệu hồi phục thì bạn cần sử dụng những thực phẩm giàu vitamin để bổ trợ nhanh hơn cho mèo. Nên cho ăn đã được nấu chín và thái nhỏ, hạn chế cho thức ăn tanh như cá hay thức ăn hạt.
Nếu có điều kiện kinh tế thì bạn có thể mua thịt bò nấu chín rồi thái nhỏ cho mèo vì thịt bò rất bổ cho máu, tăng nhanh lượng hồng cầu giúp hồi sức khỏe nhanh. Tẩy giun cho mèo thường xuyên cũng là 1 phương pháp giúp hệ tiêu hóa của mèo được khỏe mạnh
Trường hợp mèo của bạn ở mức độ Cấp thì nên đưa ngay đến cơ sở thú y ngay lập tức để được khám xét và chữa trị kịp thời nhé!
Hy vọng bài bài chia sẻ này sẽ giúp bạn chăm sóc của mèo của mình được tốt hơn.