Cá Koi là giống cá cảnh nổi tiếng của Nhật Bản và được nuôi nhiều trên thế giới trong đó có nước ta. Cá Koi rất đa dạng chủng loại, kích thước và những điều này cũng chính là yếu tố quyết định tới giá thành của chúng. Để giúp bạn đọc hiểu hơn, bài viết sau đây của Blog Chăm sóc Vật nuôi sẽ chia sẻ một vài đặc điểm nhận biết, thức ăn phù hợp và mức giá cá Koi tại nước ta hiện nay.
Nguồn gốc của cá Koi
Vào đầu thế kỷ 20, Nhật Bản đã cho triển lãm giống cá Koi tại Tokyo và đảo Niigata. Loại cá này nổi bật với 2 màu đỏ, trắng. Chúng được nuôi và mua bán rất rộng rãi như một cách tôn vinh hoàng tử Hirohito.
Vào đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, người ta đã nghiên cứu nhiều cách lai tạo màu, nhân giống và nuôi dưỡng giống cá này. Cụ thể là việc các chuyên gia Nhật Bản đã nghiên cứu, học hỏi và phát triển loài cá này, kết hợp cùng Trung tâm KHKT tại Đại học Chicago và Viện nghiên cứu Illinois, Mỹ để chúng có màu sắc và giá thành đắt đỏ như hiện nay.
Thực tế nhiều người chưa biết, cá Koi hiện nay còn có tên gọi khác là Nishikigoi. Trong đó, từ Koi theo tiếng Nhật là cá chép và đồng âm với từ tình yêu. Trên thế giới có khá nhiều loài cá Koi khác nhau, nhưng đắt đỏ nhất, đẹp nhất vẫn là những giống cá Koi có nguồn gốc từ đất nước mặt trời mọc.
Đặc điểm chung của Cá Koi
Cá Koi thực chất là một giống cá chép với nhiều chủng loại, màu sắc và được cho là mang tới may mắn cho người nuôi. Loài cá này rất dễ nuôi nhờ sức khoẻ tốt, dễ thích nghi với môi trường và không kén thức ăn.
Cá Koi có màu sắc rất rực rỡ cùng những đường biên sắc nét, nhiều mảng màu lớn và đều, dọc theo sống lưng. Nổi bật nhất là loại Butterfly Koi với vây và đuôi rất dài và phủ kín màu tuyệt đẹp.
Cá Koi có tuổi thọ cao, hiếm nhất có con sống tới 200 tuổi. Tuổi thọ trung bình của cá Koi hiện nay thường giao động từ 25 tới 40 tuổi, trong môi trường bể cá, hồ nhân tạo. Cá Koi có thể dài hơn 1m khi trên 10 năm tuổi, đặc biệt có con đã được ghi nhận với chiều dài 2m.
Tập tính, khả năng sinh trưởng của Cá Koi
Cá Koi sống phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết và môi trường xung quanh. Nếu như nhiệt độ môi trường thay đổi sẽ khiến màu sắc và hình dạng của cá cũng thay đổi theo. Cá Koi là giống cá hiền lành, tương đối dễ nuôi. Tuy nhiên việc chăm sóc cần hết sức tỉ mỉ và kỹ lưỡng.
Khi nuôi cá Koi, phải để chúng quen với môi trường nhân tạo một vài năm, sau đó chúng sẽ bắt đầu đẻ trứng. Với cá Koi cái từ 2 đến 3 năm tuổi có thể đẻ từ 150 đến 200 nghìn trứng mỗi lần. Cá Koi thường sinh sản lúc 4-5h sáng, trứng cá từ 24-48h sau sẽ nở trong điều kiện nhiệt độ từ 28 đến 30 độ C.
Các dòng Cá Koi được ưa chuộng hiện nay
Cá Koi theo chủng loại
Cá Koi chuẩn: Hình dạng của cá y hệt như dạng nguyên thủy trước khi lai tạo. Tuy nhiên chúng sở hữu nhiều màu sắc bắt mắt và rực rỡ.
Cá Koi bướm: Chúng có đặc điểm về vây, vi và đuôi khác hơn so với cá nguyên thủy. Khi bơi nhìn chúng rất uyển chuyển và nhẹ nhàng như loài bướm.
Koi bướm còn được gọi là cá chép rồng hoặc cá chép vây dài.
Cá Koi theo màu sắc
Người Nhật Bản quan niệm rằng cá Koi càng nhiều màu sắc và sặc sỡ thì chủ sở hữu chúng sẽ càng gặp nhiều may mắn. Do đó mà người Nhật đã dày công nghiên cứu và lai tạo nên hơn 100 loại cá Koi khác nhau. Một số màu sắc cá Koi được ưa chuộng nhất hiện nay bao gồm:
Cá Koi Kohaku
Cá Koi Kohaku: Có thân màu trắng, với các dấu đỏ, hoặc ‘Hi’, trên cơ thể.
Cá Koi Taisho Sanshoku
Cá Koi Taisho Sanshoku: Có thân màu trắng, 2 màu đỏ và đen ở trên lưng
Cá Koi Showa
Cá Koi Showa: Showa có thân màu đen, với các vạch đỏ và trắng trên thân.
Cá Koi Shiro Utsuri
Cá Koi Shiro Utsuri: Đây là dòng cá Koi Utsuri cơ bản nhất với nền trắng và màu đen xuất hiện từng mảng.
Cá Koi Bekko
Cá Koi Bekko: Cũng giống như dòng cá Koi Utsuri đó chính là chúng có 3 màu chủ đạo đó là trắng, đỏ và vàng.
Cá Koi Karashi
Cá Koi Karashi: Có da trơn màu sắc cá từ màu vàng nhạt đến vàng đậm toàn thân, rất đẹp và tươi tắn.
Cá Koi Benigoi
Cá Koi Benigoi: Có nét đặc trưng đỏ tươi toàn thân bao gồm cả vây, khiến nó cực kỳ nổi bật trong hồ koi nhà bạn.
Cá Koi Chagoi
Cá Koi Chagoi: Màu của nó có thể là màu “Trà” cho con Chagoi, màu lục nhạt cho con Midorigoi và màu dương xám cho con Soragoi.
Cá Koi Asagi
Cá Koi Asagi: Điểm đặc biệt của loài cá này đó là không hề có vệt “Hi” ở trên lưng, trái lại phần lưng sẽ được phủ lớp vảy màu xanh dương và chỉ có màu sắc ở phần đầu và vây.
Cá Koi Shusui
Cá Koi Shusui: Sở hữu 3 màu đỏ, trắng, đen làm chủ đạo với vệt màu đỏ nằm đối xứng nhau.
Cá Koi Goromo
Cá Koi Goromo: Màu đỏ “Hi” trên thân cá Goromo là màu đỏ thẫm khác hẳn với màu đỏ son của cá Kohaku.
Cá Koi Goshiki
Cá Koi Goshiki: Là sự kết hợp màu sắc giữa cá Koi Kohaku và cá Koi Asagi, cá Goshiki có những vệt màu đỏ “Hi” loang rộng khắp thân trải dài từ đầu đến cuối trên nền “Shiroji”.
Cá Koi Hikarimuji
Cá Koi Hikarimuji: Là loại cá đặc biệt chỉ có một tông màu vàng. Tuy nhiên nó không hề đơn điệu mà tông màu đó kết hợp hài hòa với lớp vảy màu ánh kim độc đáo.
Chọn cá Koi đẹp như thế nào ?
Cá Koi khi chọn cần chọn giống cá tốt, khỏe mạnh, có màu sắc đẹp đẽ và tươi sáng. Không nên chọn cá có màu xỉn, mờ trông không đẹp mắt. Nên chọn cá Koi có hình dạng cân đối, cơ thể thẳng, các vây hài hòa và bề mặt của cá không bị xây xát.
Không nên lựa chọn cá Koi có kích thước quá lớn, chỉ nên chọn cá có kích thước tầm 30cm trở lại để phù hợp với bể nuôi và nhu cầu của gia đình.
Nên chọn mua cá tại những cơ sở buôn bán uy tín bởi tại đó sẽ có những giống cá khỏe mạnh và không bị bệnh. Từ đó tiết kiệm công chăm sóc và tiền bạc cho bạn.
Kinh nghiệm Nuôi và Chăm sóc Cá Koi
Thức ăn cho Cá Koi
Cá Koi không kén thức ăn, chúng ăn tất cả các loại từ bánh mỳ, tôm, sò, các loại rau sau khi được chế biến hoặc các thực phẩm trộn bằng tay. Để tăng cường sức đề kháng và sức khoẻ cho cá Koi, người ta thường cho chúng ăn các thực phẩm có chứa nhiều Propolis, các loại vitamin và đặc biệt là Spirulina để tăng sắc tố màu trên mình cá.
Cá Koi từ 1 tháng tuổi đã có thể ăn các động vật nhỏ như ốc, giun, ấu trùng giống cá trưởng thành. Bên cạnh đó, cá Koi cũng ăn cám, thóc lép, bã đậu, phân xanh và tất nhiên là cả thức ăn chế biến sẵn. Nói thêm về các loại thức ăn chế biến sẵn của cá Koi, có rất nhiều loại nhưng hầu hết vẫn được làm từ bột mỳ, gạo, bột cá pha cùng các loại vitamin, vi chất.
Chỉ nên cho cá Koi ăn vừa đủ, không nên cho ăn quá no và không được cho chúng ăn các loại trùng, sâu như các loài cá khác. Tuyệt đối cho cá Koi ăn các thực phẩm không rõ nguồn gốc vì chúng không chỉ làm cá yếu đi mà còn dễ khiến cá mắc bệnh. Nói chung, đây là loài cá rất dễ nuôi nhưng thành công thực sự khi nuôi chúng là việc nên màu, để làm được việc này bạn cần lưu ý đặc biệt tới chế độ dinh dưỡng cho cá.
Nhiệt độ nuôi Cá Koi tốt nhất
Nhiệt độ tốt nhất để nuôi cá Koi nên từ 20 đến 25 độ C. Nếu nhiệt độ quá cao sẽ khiến cá dễ bị chết, còn nhiệt độ quá thấp sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển và sinh sản.
Không được thay đổi nhiệt độ của hồ nước đột ngột vì sẽ khiến cá chết. Ngoài ra khi mùa đông trời lạnh hơn và mùa hè trời nóng hơn thì bạn cần duy trì ổn định nhiệt độ trong hồ nuôi.
Điều kiện hồ nuôi Cá Koi
Duy trì độ pH trong hồ nuôi ở mức 7,0 đến 7,5 là hợp lý để tránh tăng độ cứng của nước. Độ cứng càng cao sẽ khiến oxy bị ngưng đọng trên bề mặt hồ nuôi và khiến cá dễ bị chết do thiếu oxy trong nước.
Không nên trồng cây thủy sinh trong hồ nuôi cá Koi bởi chúng sẽ ăn mất và đào thải thức ăn sẽ gây ra ô nhiễm cho nguồn nước.
Cá Koi cần nhiều oxy để hô hấp cho nên bạn phải lắp đặt thiết bị bơm sục khí để duy trì oxy cho chúng. Hệ thống lọc như lá phổi của con người, giúp làm sạch không khí và cải thiện chất lượng nước trong hồ nuôi.
Hồ nuôi cá cần có diện tích đủ rộng, chiều sâu tối thiểu từ 1,2 đến 1,8 mét; diện tích tốt nhất trong khoảng 2-3 mét vuông. Ngoài ra hồ nuôi cá cần được xây dựng tại vị trí có thể hài hòa với thời tiết 4 mùa.
Vào mùa đông, cần che chắn hồ nước để không làm giảm nhiệt độ. Giữ sạch hồ nước và giảm lượng thức ăn cho cá ăn hàng ngày. Còn vào mùa xuân hạ, cá Koi sẽ phát triển tốt nhất nên cần thay đổi lượng thức ăn và thay nước trong hồ.
Kỹ thuật đưa Cá Koi vào hồ nuôi
Trước khi cho cá Koi vào hồ nuôi mới, bạn cần để bao chứa cá ở trong hồ khoảng 15 phút để cá quen với nhiệt độ, sau đó mới mở miệng bao để thả cá. Làm như vậy sẽ giúp cá Koi không bị sốc khi tiếp xúc với môi trường nước hồ.
Thả cá Koi xuống hồ cần phải nhẹ nhàng, không được làm cá bị xây xát. Không nên di chuyển cá quá nhiều để hạn chế bị nhiễm bệnh sau khi thả. Bạn nên thả cá Koi vào buổi sáng hoặc khi trời mát, tránh thả vào khi trời nóng.
Hồ nuôi mới xây xong cần ngâm nước và xả lại khoảng 2-3 lần, sau đó mới thả cá Koi vào để nuôi.
Nên dùng WUNMID liều 100g/200m3 nước để sát trùng nước trong hồ nuôi trước khi tiến hành thả cá, sau đó lắp đặt hệ thống bơm lọc khí. Sau khoảng 24 giờ, bạn có thể thả cá Koi vào bể để nuôi như bình thường.
Các bệnh thường gặp ở Cá Koi
Bất kỳ một giống loài nào đều có thể mắc bệnh và cá Koi cũng không phải ngoại lệ. Các bệnh thường gặp ở Koi như đốm trắng, biếng ăn, lở da, rụng vảy, ngứa mình, lở môi,… Ngay khi phát hiện cá của mình mắc bệnh, bạn phải cách ly cá khỏi đàn, nuôi sang bể riêng để theo dõi và không lây lan cho các con khác. Nếu bệnh nặng, bạn cần mời bác sĩ thú y và chỉ tự điều trị bằng thuốc đặc trị nếu cảm thấy nhẹ.
Bệnh rận ở Cá Koi
Bệnh xảy ra khi những con rận, ký sinh trùng sống ký sinh trên thân, vây hoặc trong khoang miệng của cá Koi. Chúng sẽ liên tục hút máu gây tổn thương cho cá, đồng thời còn tiết độc tố khiến các loại vi khuẩn khác có thể tấn công gây bệnh. Từ đó khiến tuổi thọ cá bị giảm, nhanh chết.
Khi thấy cá có biểu hiện khó chịu, bơi nhảy hỗn loạn do bị rận cắn, bạn cần sử dụng dụng cụ gắp rận ra khỏi cơ thể chúng và dùng thuốc sát khuẩn sơ cứu lên những vùng tổn thương. Duy trì liên tục khoảng 7 ngày để cá Koi hồi phục.
Bệnh nhiễm trùng mỏ neo ở Cá Koi
Đây là căn bệnh phổ biến nhất hay gặp ở cá Koi. Bệnh do một loại ký sinh trùng dạng giáp xác gây nên, chúng bám chặt lấy thân và đuôi cá Koi để hút máu và dưỡng chất. Bạn có thể quan sát được bằng mắt thường.
Khi mắc bệnh, cá Koi sẽ lười ăn, bơi chậm và kém linh hoạt. Hãy sử dụng thuốc Dimilin với liều lượng 1g/1m3. Tuy nhiên cần đánh thuốc giãn cách ngày cho cá sau đó thay nước hồ nuôi bởi Dimilin có chứa thành phần thuốc trừ sâu. Đánh thuốc cho đến khi cá Koi không còn ký sinh trùng nữa thì dừng lại.
Bệnh đốm đỏ ở Cá Koi
Bệnh này khiến toàn thân cá Koi xuất hiện đốm đỏ như xuất huyết. Từ đó khiến cá bỏ ăn, vảy rụng dần, cá bơi chậm chạp và yếu dần. Bệnh do vi khuẩn Aeromonas Hydrophila gây ra.
Để ngăn ngừa cá mắc bệnh đốm đỏ, hãy gia tăng nồng độ kiềm trong hồ nuôi của bạn bằng phương pháp phủ vôi bột hoặc đánh muối trong vài ngày. Bởi vi khuẩn này không thể sống được trong môi trường kiềm.
Bệnh đốm trắng ở Cá Koi
Bệnh xảy ra chủ yếu do nguồn nước bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh. Cá Koi sẽ xuất hiện các đốm trắng li ti trên thân, đầu. Bệnh lây lan rất nhanh cho các con cá khác và khiến cá trở nên suy yếu dần.
Cách xử lý tốt nhất đó là đảm bảo nguồn nước nuôi cá luôn được sạch sẽ, ổn định pH trong hồ, duy trì nồng độ muối ở mức 0,5%/ngày, nhiệt độ hồ nuôi luôn ở 25-28 độ C.
Bệnh nấm mang, da ở Cá Koi
Bệnh xảy ra khi có vi sinh vật, ký sinh trùng sán sống trong nước và ký sinh trên thân, mang cá. Chủ yếu do nguồn nước bẩn không hợp vệ sinh gây ra. Cá Koi khi này sẽ hay bị ngứa, bơi nhảy lung tung, cá sẽ chết chỉ sau một thời gian.
Để điều trị bệnh này, bạn cần thay nước hồ thường xuyên, duy trì ổn định nồng độ muối và oxy trong hồ. Sử dụng thuốc Praziquantel liều lượng 2g/1m3 để giúp tiêu diệt sán và các ký sinh trùng trong nước.
Bệnh thối đuôi ở Cá Koi
Bệnh xảy ra khiến cá Koi bị sưng, viêm phần đuôi. Nặng hơn sẽ gây lở loét, hoại tử, thối rữa. Bệnh do nhiễm trùng Mycobacteria và một số loại nấm mốc gây nên.
Để xử lý bệnh này, hãy thoa thuốc Malachite 1% lên vùng bị tổn thương, mỗi ngày 1 lần bôi, sử dụng liên tục từ 5-7 ngày.
Bệnh xù vảy Cá Koi
Bệnh dễ nhận thấy bằng mắt thường nhất đó là khi cá Koi sưng phù thân người, vảy bị xù, mắt bị lồi ra. Khi này cá Koi sẽ có xu hướng bơi sát mặt nước để lấy oxy nhiều hơn.
Bệnh xảy ra khi cá bị nhiễm vi khuẩn trong cơ thể hoặc có khối u làm các cơ quan bị phình to ra, chèn ép khiến cá bị giảm tuổi thọ và nhanh chết. Để điều trị, người nuôi cá cảnh nên cho cá tắm muối với tỷ lệ 5kg muối/1m3 trong vòng 5 phút, thực hiện liên tục vài ngày sẽ khiến tình trạng bệnh được cải thiện phần nào.
Bệnh viêm loét ở Cá Koi
Cá Koi khi bơi trong hồ không tránh khỏi va chạm lẫn nhau và với các cây thủy sinh, các góc sắc cạnh trong hồ. Từ đó khiến cá bị xây xát, nhiễm trùng vết thương khiến cá chết sớm.
Khi này bạn cần vớt cá lên để thoa thuốc chống nhiễm trùng cho cá sẽ hạn chế tình trạng viêm loét tốt hơn.
Ý nghĩa phong thủy của Cá Koi
Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc, thế nhưng cá Koi lại cực kỳ được ưa chuộng ở Nhật Bản và dần trở thành văn hóa tâm linh tại đây.
Ý nghĩa biểu trưng của cá Koi
Là ngọn lửa lan truyền nghị lực cho cuộc sống đến với mỗi người (xuất phát từ điển tích cá vượt vũ môn hóa rồng). Ngoài ra còn là biểu tượng cho sự dũng cảm, kiên cường dám thực hiện ước mơ.
Ý nghĩa trong phong thủy của cá Koi
Người xưa quan niệm rằng, sở hữu một con cá Koi trong nhà sẽ giúp mang lại may mắn và thịnh vượng. Cá càng to thì may mắn sẽ càng tràn đầy. Bên cạnh đó, cá Koi còn biểu tượng cho sự trường thọ, vững bền.
Ý nghĩa từng màu sắc của cá Koi
Với những người chơi cá Koi, từng màu sắc của cá mang lại một ý nghĩa khác nhau theo mong muốn của gia chủ:
Cá Koi Kohaku (thân trắng khoang đỏ): Sự thành công, viên mãn trong sự nghiệp.
Cá Koi Ogon (thân bạc): Tượng trưng cho “Mã đáo thành công”.
Cá Koi Kumonryu (thân trắng khoang đen): Cuộc sống luôn biến động và thay đổi, bạn cần phải thích nghi tốt hơn.
Cá Koi Kuchibeni (thân trắng viền đỏ quanh môi): Tượng trưng cho tình yêu trường tồn, vĩnh cửu.
Cá Koi Yamabuki (thân trắng vàng): Tượng trưng cho tài lộc, phú quý và sự giàu sang.
Giá cá Koi tại nước ta
Giá cá Koi phụ thuộc nhiều và chủng loại, từng con riêng biệt và độ tuổi của chúng. Dưới đây là bảng giá tham khảo các loài cá Koi hiện được yêu thích nhất tại thị trường Việt Nam:
Giá cá Koi mini
Kích thước | Giá bán |
Kích thước <10cm | 1.000.000 đồng/30 con (thường thì bán sỉ) |
10-15cm | – 60.000 đồng/con (bán lẻ)
– 1.500.000 đồng/30 con; 4.500.000 đồng/100 con (bán sỉ) |
18-20cm | – 105.000 đồng/con (bản lẻ)
– 2.800.000 đồng/30 con (bán sỉ) |
20-22cm | 135.000 đồng/con |
>=25cm | 200.000 đồng/con |
Giá cá Koi trưởng thành
Chủng loại cá Koi | Giá bán |
Koi Shiro, Showa, Utsuri (đời F1, loại có kích thước từ 28-35cm) | 800.000-900.000 đồng/con |
Koi Doitsu Sanke, doitsu Kohaku ( kích thước cỡ 38cm) | 1.100.000 đồng/con |
Koi Tosai (kích thước 18 – 22cm) | 1.500.000 đồng/con |
Koi Tosai (kích thước 32cm) (Niigata) | 4.000.000 đồng/con |
Koi Gosanke (kích thước 16 – 18cm) | 1.200.000 đồng/con |
Koi Tancho Kohaku/Sanke (kích thước 18 – 20cm) | 3.000.000 đồng/con |
Trên đây là bảng giá về cá Koi, mỗi nơi sẽ có những bảng giá khác nhau ở những thời điểm khác nhau nhưng thường thì nó chỉ chênh lệch một chút thôi. Các bạn dựa vào đó để mua cá Koi nhé.
Như vậy mình đã chia sẻ hết về đặc điểm nhận biết, thức ăn cùng bảng giá cá Koi trên đây. Hy vọng những kinh nghiệm nuôi cá Koi của Blog Vật Nuôi sẽ giúp các bạn rất nhiều trong việc bắt tay vào nuôi cá Koi.