Chim chích chòe đất là một loài chim được chơi khá nhiều ở Việt Nam. Tuy loài chim này không được nuôi phổ biến như chim chào mào nhưng cũng có rất đông em ưa thích chơi và gắn bó với chúng. Vậy loài chim này nuôi thế nào? Tập tính, thức ăn của chúng ra sao? Blog Vật Nuôi sẽ chia sẻ những kinh nghiệm nuôi chim chích chòe đất ngay sau đây nhé.
Cách chọn chim Chích Chòe Đất
Để bắt đầu nuôi chích chòe đất thì việc đầu tiên là anh em phải có trong tay một em chích chòe đất đã chứ nhỉ. Để có một chú chích chòe đất ưng ý thì ngoài việc bỏ tiền ra mua, anh em cũng có thể học cách bẫy chòe đất nhé. Cách bẫy chòe đất thì khá giống với cách bẫy chào mào anh em có thể tham khảo qua nhé.
Chọn chim theo hình dáng bên ngoài.
Chích chòe đất đẹp là con có chân cao ráo, thân hình dài và thon gọn. Bộ lông của chích chòe đất anh em chọn con có bộ lông mỏng và ốp vào thân. Bộ cánh chim thì chọn những con có vạch trắng rõ rệt, trắng ra trắng đen ra đen. Về bộ lông đuôi thì chọn con bản rộng, dài. Trong khoảng thời gian ngắn nó phải thường xuyên xòe cụp, đập cầu.
Đầu chim thì anh em lựa chọn theo tiêu chí đầu xà trán vuông, cổ thắt. Mỏ chim thì chọn con mỏ dưới mỏng, mép sâu. Khi đứng thì lúc nào cũng vươn thẳng đầu, đứng cao cầu. Nhiều anh em hay chọn đầu to nhưng lại có anh em chọn con có đầu vừa. Cái này thì tùy sở thích thôi miễn sao đừng to quá với thân hình chim là được.
Cách chọn chích chòe đất theo cách chơi.
Để chọn được chim tốt theo cách chơi thì tốt nhất nếu có anh em nên mang theo một con chích chòe đất khác. Khi kè chúng gần gần nhau (tương đối) thì chúng chịu hót, giở các thế chơi ra thì chúng ta mới đánh giá được con chích chòe này. Con nào mà xù xù lông lên rồi căng phồng vạch trắng ở cánh và đuôi ra thì con này có tố chất chơi đấy.
Ngoài ra nếu anh em mà bắt gặp mấy chú chích chòe mà điệu bộ nhảy lò cò, làm trò như múa lân thì anh em trúng phải số rồi đấy. Đây là đặc điểm của chim căng lửa và chơi rất hay.
Giá chim Chích Chòe Đất
Về giá chim chích chòe đất thì anh em đã biết hết chưa nhỉ. Tuy giá của chòe đất tùy vào từng con nhưng thường không cao lắm. Do đó anh em có kinh tế bình thường cũng hoàn toàn có thể mua được những chú chòe đất hót hay rồi nhé.
Giá chim chòe đất non: Giao động 100k~300k tùy từng nơi và từng con
Giá chích chòe đất trưởng thành: Giao động từ 400k~1 triệu đồng 1 con. Những con có khiếu chơi hay, dáng đẹp thì có thể lên đến 2 3 triệu trở nên 1 con.
Thức ăn cho chim Chích Chòe Đất
Thức ăn cho chích chòe đất thì giống với chích chòe lửa và chích chòe than. Mình đã giới thiệu về thức ăn cho chúng ở bài viết cách nuôi chim chích chòe than, anh em có thể tham khảo. Ở đây mình vẫn nói lại một chút nhé, chủ yếu là do lượng thức ăn khác nhau mà thôi.
Thức ăn cho chích chòe đất chủ yếu vẫn là mồi tươi và cám dành riêng cho chúng. Chòe đất các bạn cũng cho chúng ăn mồi tươi sâu quy, cào cào, dế… Điểm khác biệt với chòe than đó là chòe đất có cơ thể nhỏ hơn nên lượng thức ăn cho chúng sẽ ít hơn. Mỗi con chòe đất thường tiêu thụ khoảng 20 con sâu quy hoặc cào cào, dế…(sáng 10 chiều 10), không như chích chòe than tiêu thụ tận 50~100 con. Chính vì thế nuôi chòe đất sẽ đỡ tốn kém và vất vả hơn chòe than.
Cách thuần hóa chim Chích Chòe Đất bổi
Để thuần hóa chòe đất thì anh em cần phải có một sự kiên nhẫn nhất định nhé. Nuôi chim nào thì cũng phải có sự kiên nhẫn nhất định. Anh em nào không kiên nhẫn thì mình khuyên là không nên chơi chim nha. Đối với cách thuần hóa chòe đất bổi thì chúng ta sẽ mất ít nhất khoảng một tháng, tùy con có thể lâu hơn nhé.
Tuần thứ 1: Chòe đất bổi anh em bắt về thì cần dậy cho nó thích nghi với môi trường nuôi nhốt. Anh em cho chòe đất vào lồng cùng với 1 cóng nước, 1 cóng sâu gạo. Cứ trùm lồng như thế và mỗi ngày mở ra để kiểm tra nước và thức ăn. Được khoảng 2 3 ngày thì anh em cho vào thêm một cóng sâu trộn cám và bớt sâu ở cóng kia đi. Mục đích là sâu có thể thích nghi và ăn được cám.
Tuần thứ 2: Lúc này chim đã dần quen với việc nuôi nhốt trong lồng. Tuần này thì anh em mang chim ra chỗ nào yên tĩnh và mở áo lồng ra nhé. Khi ấy thì có 2 khả năng sảy ra và anh em xem chim của mình nằm ở trường hợp nào thì áp dụng cho đúng nhé.
- Trường hợp 1: Anh em thấy chim nhảy và nhảy khôn, bu lan không bị đụng đầu vào lồng thì đây là con chích chòe dễ thuần. Khi ấy anh em thay 2 cóng sâu bằng 2 cóng cám và 1 trong 2 cóng cám này có một ít sâu. Cám chỉ đủ ăn trong ngày thôi là được. Cứ mỗi ngày anh em lại vào xem thêm cám và thay nước cho chúng. Mấy ngày cuối thì có thể hơi hé áo lồng ra dần để chim quen với môi trường ban ngày.
- Trường hợp 2: Anh em sẽ gặp phải con chích chòe khá nhát. Biểu hiện là nó sẽ nhảy loạn xạ, nhảy như kiểu không tiếc thân, va vào lồng, gẫy đuôi… Khi ấy thì anh em lại quay lại tuần thứ 1 để cho em nó làm quen với môi trường nuôi nhốt và bớt sợ. Khi nào anh em thấy nó ok rồi thì mới tiếp tục làm tiếp.
Tuần thứ 3: Đến tuần này thì anh em bắt đầu trùm 1/2 áo lồng chim ra rồi. Đồng thời với đó thì anh em tiến hành cắt sâu, thay cám mới đồng thời cho 2 con dế thấm nước vào cám. Mục đích là để cho dế dính cám và cho chim tập ăn cám. Đến chiều kiểm tra cóng nước có cám hoặc phân chim vàng là ta đã thành công cho chim ăn cám. Còn không thì cho tiếp 3 4 con dế thấm nước cho chim ăn. Nếu con nào mà không chịu ăn thì tầm 3 4 ngày anh em lại bổ sung sâu cho nó kẻo nó thiếu dinh dưỡng nhé. Trong thời gian này thì anh em chuyển chim đến chỗ đông người qua lại để chim dần dần không sợ người nữa nhé.
Sau khi chim đã ăn cám thì anh em không cho mồi tươi vào cóng nữa mà dùng tay hoặc que đút cho chim ăn mồi tươi. Như thế nó sẽ học được 1 điều là ta là chủ nó, nó sẽ dần dần không sợ ta nữa. Anh em cứ làm các bước từ từ nhé để cho chào mào nó khỏi sợ, đừng có đốt cháy giai đoạn là hỏng đấy.
Tập tắm cho Chích Chòe Đất
Chích chòe đất rất kén chậu tắm, thế nên việc tắm cho chòe đất khá vất vả. Nên khi đã tập tắm cho nó thì chọn 1 loại chậu thôi, thay đổi là lại phải tập lại từ đầu. Không như chim chích chòe than chúng rất bạo và dễ tập tắm.
Để tập cho chòe đất tắm thì anh em thông lồng với nuôi với lồng tắm. Ngoài ra thì anh em bỏ hết cóng thức ăn ra ngoài và đồng thời thả vào chậu tắm (không có nước) mấy con sâu, con dế. Làm như thế cho chim nhảy vào chậu tắm khoảng 2 3 ngày thì chim đã quen rồi.
Sau khi chim chích chòe đất đã quen với chậu tắm thì anh em bắt đầu cho nước vào chậu tắm với một mực nước thấp. Thời gian đầu chim sẽ đứng trên thành mổ sâu nhưng dần dần thì nó cũng nhào xuống để ăn. Khi đó anh em cho dần dần nước cao lên nhé. Nếu chim ngoan cố không chịu tắm thì anh em cho chim phơi nắng một lúc nhé. Tự khắc rồi nó sẽ xuống ăn mồi và tắm thôi.
Lời kết
Trên đây là một số kinh nghiệm nuôi chích chòe đất của mình. Đảm bảo nếu anh em kiên nhẫn và làm theo hướng dẫn này thì chắc chắn anh em sẽ có một con chòe đất cực hay. Nuôi chim khá là tốn thời gian và đòi hỏi kiên nhẫn, nhưng khi đạt được thành quả thì nó sẽ vô cùng tuyệt vời. Chúc anh em có những chú chim đẹp, khỏe mạnh và chơi tốt.